Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Thâm nhập máy tính trộm ảnh có thể bị phạt tù


Thâm nhập máy tính trộm ảnh có thể bị phạt tù

Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định nêu rõ: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Điều luật về “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh” này còn quy định, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, người có hành vi xâm nhập trái phép vào tài khoản lưu trữ ảnh của bạn để lấy trộm mật khẩu, đưa trái phép hình ảnh của bạn lên mạng, kèm theo “những lời bình luận gây tổn hại đến danh dự” của bạn là hành vi trái pháp luật. Tùy từng trường hợp cụ thể, hành vi đó có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 63/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì người (tổ chức, cá nhân) có hành vi “bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng” bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính vi phạm.
Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 63/2007/NĐ-CP nói trên cũng quy định việc phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với “hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật cá nhân trái quy định của pháp luật”; người có hành vi này cũng bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính vi phạm.

Trong trường hợp vi phạm có mức độ nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 2 tội:
- Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác (theo Điều 226a Bộ luật Hình sự) đối với hành vi “cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu…”.
Người thực hiện hành vi này bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội có các tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
- Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” (theo Điều 226 BLHS) đối với hành vi “công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó”. Người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù với mức thấp nhất là sáu tháng và mức cao nhất là bảy năm. Ngoài ra người phạm tội cũng còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp bạn đã tìm ra người đã xâm nhập trái phép vào tài khoản lưu trữ ảnh của bạn để lấy trộm mật khẩu, đưa trái phép hình ảnh của bạn lên mạng, bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi của người đó - kèm theo chứng cứ chứng minh - gửi đến cơ quan điều tra để đề nghị cơ quan này xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét