Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

'Tài xế xe buýt bắt khách quỳ là làm nhục người khác'


'Tài xế xe buýt bắt khách quỳ là làm nhục người khác'

Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, việc lái và phụ xe bus bắt hành khách phải quỳ mới mở cửa cho xuống xe đã đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác. 

Ông phân tích, theo Điều 121 Bộ luật Hình sự (tội làm nhục người khác), người nào có hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác” thì đã cấu thành tội danh này. Điều luật không đòi hỏi người bị hại có chịu phục tùng hay bị khuất phục bởi hành vi của người phạm tội hay không.
Tài xế và phụ xe trong vụ việc do VnExpress.net phản ánh không những có hành vi làm nhục hành khách mà có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn (quyền lái xe, dừng, đỗ, đóng, mở cửa) để gây khó dễ với người đi xe. Chỉ vì hành khách đi nhầm tuyến mà tài xế và phụ xe có hành động cửa quyền, hách dịch, thể hiện tính chất côn đồ. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Theo ông Vinh, trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện công cộng và có rất nhiều phàn nàn về chất lượng phục vụ của lái và phụ xe bus, có thể coi vụ việc này là "án điểm" để chấn chỉnh thái độ phục vụ của nhà xe với hành khách.
Sau khi bị đánh và bắt quỳ, anh Phúc được tài xế cho xuống bằng cửa trước. Ảnh: Tiến Dũng.
Sau khi bị đánh và bắt quỳ, anh Phúc được tài xế cho xuống bằng cửa trước. Ảnh: Tiến Dũng.
Ở khía cạnh khác, luật sư Quốc Thái (Trưởng văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng nhà chức trách cần xem xét nhân thân của lái và phụ xe, họ đã bao giờ cư xử với khách như thế hay không... hay chỉ vì lý do nào đó mà có thái độ hành xử không đúng mực. Từng đi xe buýt ở Hà Nội, ông Thái cho hay không phải tuyến nào lái và phụ xe cũng cư xử thiếu văn hóa với hành khách.
Trước đó, chiều 22/10, anh Nguyễn Ngọc Phúc (quê Vĩnh Phúc) vào bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) hỏi đường về Lê Văn Lương thì được phụ xe 34 cho biết xe chạy qua tuyến đó. Nhưng khi đi qua khách sạn Daewoo (phố Kim Mã), biết là nhầm đường, anh Phúc chạy lên thắc mắc và đòi xuống thì bị lái, phụ xe chửi mắng.
Trước sự chứng kiến của hàng chục hành khách, tài xế dừng xe giữa đường, cùng với phụ xe lao xuống đạp, chửi anh Phúc, bắt phải quỳ xuống xin thì mới mở cửa. Thấy anh Phúc không quỳ xin, còn hành khách thì tỏ thái độ bức xúc, lái, phụ xe buộc phải cho anh và một số người khác xuống điểm đỗ trên phố Nguyễn Thái Học.
Liên quan vụ việc, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông Hoàng Văn Mạnh cho biết, đang thu thập thông tin, chứng cứ từ phía nạn nhân. Nếu đầy đủ chứng cứ thì sẽ đề nghị phía công an truy cứu lái, phụ xe về tội làm nhục người khác.
Chiều 24/10, một lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội cho VnExpress.net biết chưa nhận được đề nghị từ phía ngành giao thông hay của anh Phúc về vụ việc trên.
Theo Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự, "tội làm nhục người khác" là một trong những tội mà cơ quan cảnh sát điều tra chỉ khởi tố khi có đơn yêu cầu của người bị hại. "Trong vụ việc này, nếu hành khách bị làm nhục không có đơn đề nghị thì cơ quan điều tra không thể khởi tố được. Hành vi của lái và phụ xe chỉ có thể bị xử phạt hành chính", luật sư Vinh nói.
Điều 121: Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a, Phạm tội nhiều lần;
b, Đối với nhiều người;
c, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d, Đối với người thi hành công vụ;
đ, Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình
3. Người phạm tội còn có thể cấm bị đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét