Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng


Tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng

Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp như hiện nay, chỉ sau 5-10 năm nữa sẽ gần một triệu người có tiền án tiền sự, trong đó 200.000 trường hợp dưới 30 tuổi.

Chiều 26/10, thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, đại biểu Nguyễn Đức Chung đánh giá, các vi phạm pháp luật mang tính tập thể, quy mô ngày càng lớn; tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng (chiếm 15-18%); các vụ án gây hậu quả nghiêm trọng như giết nhiều người, gây thiệt hại kinh tế từ chục, vài trăm cho tới nghìn tỷ đồng ngày càng nhiều...
Theo ông Chung, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, nhiều kẽ hở và chưa sát với thực tế. Điều này gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực chưa cao, chưa đủ sức răn đe với các loại tội phạm. Việc giáo dục trẻ em trong gia đình và nhà trường bị coi nhẹ, dẫn tới hành vi ứng xử trong cộng đồng bị xuống cấp về đạo đức, và "chỉ từ một mâu thuẫn rất nhỏ cũng có thể dẫn đến vi phạm pháp luật và gây án".
Luyện khai là thủ phạm duy nhất đã giết chết 3 thành viên gia đình ông chủ tiệm vàng Ngọc Bích. Ảnh: Xuân Mai.
Lê Văn Luyện khai đã gây ra cái chết của vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) cùng con gái mới 18 tháng tuổi của họ. Ảnh: Xuân Mai.
Hiện, cả nước có hơn 140.000 người nghiện, hơn 300.000 người có tiền án, tiền sự. Hàng năm các cơ quan thi hành pháp luật bắt giữ truy tố hơn 115.000 người, trong đó có 16.000-18.000 trẻ vị thành niên... Xu hướng phạm tội ngày càng trẻ hóa và nhiều người sau khi ra trại bị miệt thị, không có công ăn việc làm lại tái phạm tội.
"Với diễn biến như vậy chỉ sau 5-10 năm nữa đất nước chúng ta sẽ có gần 1 triệu người có tiền án tiền sự, trong đó có 200.000 người dưới 30 tuổi", đại biểu Chung nhận định. Ông lo lắng bao nhiêu trong số họ sẽ có công ăn việc làm, trở thành người tốt hay họ phải tìm đến các thành phố xa quê hương, xa người thân để tìm đến các bạn cũ trong trại cải tạo, và luôn phải sống với các mặt trái của xã hội để phạm tội.
Phó giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, công tác phòng ngừa tội phạm phải được làm quyết liệt từ trong gia đình và trường học; giám sát chặt chẽ công tác tạo công ăn việc làm cho người mãn hạn tù, sau cai nghiện để họ có đủ điều kiện sống. Đồng thời cần quy định trách nhiệm của các cá nhân, công chức, thủ trưởng khi để cá nhân, con cái mình vi phạm pháp luật và phạm tội.
Còn đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ tuy chỉ có vài dòng về tội phạm vị thành niên nhưng hàm chứa nhiều thông tin đáng lo ngại. Ba tháng đầu năm trên cả nước các băng nhóm vị thành niên sử dụng vũ khí gây ra hơn 100 vụ xô xát, tăng 50 vụ so với cùng kỳ năm 2010, chiếm 34% tổng số vụ phạm pháp xảy ra.
"Đặc biệt, vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang mà nghi phạm chưa đến 18 tuổi đã một lần nữa đã cảnh báo về sự gia tăng tỷ lệ phạm tội ở lứa tuổi này", nữ đại biểu nhìn nhận.
Nhiều đại biểu lo lắng trước tình hình tội phạm gia tăng. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều đại biểu lo lắng trước tình hình tội phạm gia tăng. Ảnh: Hoàng Hà.
Đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng theo đại biểu Minh, mấu chốt của tội phạm vị thành niên chính là do nhiều bậc phụ huynh đã quá nuông chiều con cái, không nghiêm khắc hoặc chưa dành thời gian hợp lý cho việc dạy bảo... khiến chúng có tâm lý ỷ lại, nhận thức, hành động sai lầm, coi thường pháp luật và dẫn đến phạm pháp.
Trước tình trạng người phạm tội có xu hướng ngày càng trẻ hóa liều lĩnh và manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để bắn trả lực lượng làm nhiệm vụ khi bị truy đuổi, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn: "Vì sao nhà nước dành ngân sách rất lớn cho lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng tội phạm vẫn không giảm mà ngược lại ngày càng gia tăng?".
Cùng vấn đề, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) băn khoăn: "Có cử tri cho rằng trước đây đi ra ngoài đường, đi vào những chỗ vắng, đi ban đêm thì mới sợ cướp, sợ giết, còn bây giờ họ lo lắng khi ngồi trong chính ngôi nhà của mình".
Dẫn ra 95% nguyên nhân các vụ giết người đều xuất phát từ xã hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đánh giá đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, và điều cử tri quan tâm là làm thế nào nâng cao được đạo đức xã hội. Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng cơ quan bảo vệ pháp luật thì có lẽ điều này cũng khó.
"Tôi đề nghị cần quan tâm đầu tư xây dựng lực lượng bảo vệ pháp luật đủ mạnh về mặt chính trị và đạo đức. Trước hết, lực lượng này phải tự sửa mình để dành được sự tin yêu của nhân dân, sự ủng hộ của cử tri và của xã hội thì chắc chắn là việc khó đến mấy cũng sẽ hoàn thành", ông Sinh nêu giải pháp.
Trong khi đó, theo đại biểu Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đáng báo động hiện nay là do luật pháp chưa thực sự phát huy được vai trò và chức năng điều tiết xã hội, răn đe và xử phạt của mình. Nhiều trường hợp xử lý chưa thật nghiêm, dẫn tới hiện tượng nhờn luật.
"Các gia đình đều phó mặc việc dạy dỗ con em mình cho nhà trường. Trong khi đó chương trình đào tạo mới chỉ quan tâm tới việc truyền thụ kiến thức còn việc giáo dục những kỹ năng sống, kiến thức pháp luật chưa được quan tâm. Nếu không đi từ gia đình thì không thể ngăn chặn, giải quyết từ gốc vấn đề vi phạm pháp luật, nhất là đối với giới trẻ", Thượng tọa nhấn mạnh.
Chia sẻ gánh nặng này với xã hội, thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cho biết, sẽ đẩy mạnh các buổi thuyết pháp về Phật pháp, nhân quả nghiệp báo, qua đó giúp mọi người tăng trưởng trí tuệ, nhận thức đúng đắn về hành vi của mình, không dám làm điều xấu, điều ác, tích cực làm điều thiện, việc ích. Đồng thời, sẽ tổ chức các khóa tu để thanh thiếu niên sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, chùa chiền sẽ là địa điểm đến, sân chơi vào những ngày nghỉ, những ngày lễ tết để họ giảm thiểu phạm tội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét